Cách Khắc Phục Các Vấn Đề Về Tuyến Sữa


CÁC VẤN ĐỀ VỀ TUYẾN SỮA MẸ THƯỜNG GẶP –
HƯỚNG KHẮC PHỤC


Trong thời kì cho con bú, các mẹ khó tránh khỏi những khó khăn trong quá trình tiết sữa như quá ít sữa, tắc tia sữa, căng sữa, viêm ngực, nứt đầu ti…Lúc này các mẹ rất lo lắng, bối rối muốn nhanh chóng có lại sữa cho con…Vậy hướng giải quyết như thế nào để hiệu quả? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Mẹ ít sữa/thiếu sữa cho con/tắc tuyến sữa

Có nhiều mẹ sinh thường nhưng lại ít sữa hơn các mẹ sinh mổ, hoặc trong quá trình cho con bú sữa ra rất ít. 

Giải pháp: Mát-xa xung quanh bầu ngực thường xuyên trước khi cho bé bú bằng tay hoặc bằng máy hút sữa. Không vì mẹ ít sữa mà ngưng hẳn việc cho con bú. Vì làm như vậy sữa mẹ dần cạn và không ra nữa, do đó các mẹ tiếp tục cho con bú đến khi nào sữa ra nhiều. Đồng thời, các mẹ chú ý chế độ dinh dưỡng, nên ăn các thực phẩm lợi sữa như chân giò hầm đu đủ xanh, hoa chuối…



Mẹ bị căng ngực do ứ sữa

Hầu như các mẹ sau sinh từ 2-5 ngày đều có cảm giác căng tức ngực, nó có thể kéo dài đến 10 ngày, đây là hiện tượng của quá trình tạo sữa nuôi con. Nếu không có biện pháp giảm căng tức ngực thì dịch xung quanh tuyến sữa tụ lại, bầu sữa sưng lên dần dẫn đến bầu ngực của mẹ cũng cứng, hình thành những u cục, khi sờ nhẹ dễ thấy đau nhức, khó chịu, thỉnh thoảng có sốt nhẹ.

Giải pháp: nguyên nhân tình trạng này do sữa về quá nhiều nhưng chưa được tiết ra ngoài, vì vậy mẹ cần cho bé bú liên tục, đủ cữ, khoảng 2-3h/lần. Mẹ cần chịu khó cho trẻ bú 10-12 lần/ngày, ban đêm thường 3h/bú một lần, nếu không muốn đánh thức bé dậy thì mẹ nên dùng dụng cụ hút sữa và trữ sữa cẩn thận. Cách bú là cho trẻ bút ít nhất 15 phút/bên vú, khi nào thấy vú nhẹ thì hãy chuyển sang vú còn lại vì để bé uống được hết sữa đầu và sữa cuối. 

Ngoài ra, các mẹ còn có thể dùng nhiều cách khác như tắm nước ấm vòi hoa sen, chọn áo ngực chuyên dụng cho con bú hoặc áo rộng rãi để mặc, vì mặc áo chật ảnh hưởng đến bầu ngực, không mặc áo ngực thì ti sẽ bị tổn thương.

Đầu ti bị nứt

Nút đầu ti là hiện tượng thường xảy ra trong thời kì này. Nguyên nhân: da khô, thiếu sữa hoặc đặt bé bú sai tư thế. Lúc này có khả năng mẹ bị chảy máu nhẹ nhưng mẹ đừng lo lắng nhé.

Giải pháp: đặt bé bú ở tư thế thích hợp và thay đổi thời gian mỗi lần bú cho bé, cho bé bú nhiều lần trong ngày và giảm thời gian mỗi cử bú. Sau khi bú xong để một ít sữa trên đầu ti và để khô tự nhiên, cách này giúp đầu ti không bị khô đột ngột. Hoặc mẹ có thể sử dụng mỡ lông cừu thoa lên đầu ti cũng rất hiệu nghiệm.

Mẹ bị đau lúc đang cho bé bú

Cho con bú mẹ có cảm giác đau ở đầu ngực là chuyện thường xảy ra nhưng thời gian đau không lâu. Nhưng nếu cảm giác này kéo dài hơn 1 phút thì các mẹ nên kiểm tra lại tư thế của bé.

Giải pháp: Có thể miệng bé nhỏ so với ti hoặc bé chưa biết cách ngậm ti nên bé chỉ ngậm một phần nhỏ trên đầu ti. Mẹ nhẹ nhàng đưa ngón trỏ vào môi bé để gỡ miệng bé ra khỏi đầu ti, sau đó mẹ cù nhẹ vào cằm hoặc giỡn với bé sao cho bé mở miệng to hơn và để bé bú trở lại. Cách ngậm ti đúng là miệng bé phải ngậm sâu vào quầng vú, cằm và mũi chạm nhẹ vào bầu ngực mẹ. Lúc này mẹ không bị đau mà sữa tiết ra nhiều nhất. Nếu tư thế bú của mẹ đã đúng mà mẹ vẫn thấy đau thì núm vú của mẹ có thể bị khô, mẹ nên mặc áo rộng hơn và không được rửa núm bằng xà phòng.

Mẹ bị viêm vú

Đây là hiện tượng nhiễm trùng tương tự triệu chứng bệnh cúm như sốt, đau ngực. Nguyên nhân rất có thể do đầu ti bị nứt lâu hoặc bí tắc/ứ ống dẫn sữa. Viêm vú là viêm một phần nào đó trên vú, rất dễ lầm với hiện tượng căng ngực.

Giải pháp: mẹ nên dùng thuốc theo toa của bác sỹ, chườm nóng ngực và hút hết sữa trong bầu ngực. Để hút hết sữa mẹ có thể cho con bú nhiều lần hoặc dùng máy hút sữa bằng tay hoặc điện cho đến khi cảm giác đau ngực giảm hẳn. Bệnh viêm ngực không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sữa nên mẹ cứ an tâm cho con bú.


Trong thời gian cho con bú, nếu mẹ gặp các triệu chứng như sốt, ngực bị nhiễm khuẩn, cơ thể mệt mỏi kéo dài…thì nên khám bác sỹ chuyên khoa để giải quyết triệt để các bệnh.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá có một không hai cho trẻ. Nhưng trong thời gian cho con bú, mẹ khó tránh khỏi các hiện tượng trên, mẹ nên kiên nhẫn và áp dụng đúng giải pháp trong mỗi trường hợp để nhanh hồi phục tuyến sữa. Giúp đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bé và tốt cho cơ thể của mẹ.



Share this

Related Posts